Trong hệ tiêu hóa, gan và mật là nơi thường xuyên chịu sự tấn công của nhiều loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.... Một khi gan, mật bị tổn thương sẽ có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.
Vai trò của gan

Gan chính là nhà máy "kỳ diệu" của cơ thể, giúp lọc thải chất độc với tính năng và cơ chế hoạt động vô cùng ưu việt. Tất cả mọi thứ khi được đưa vào cơ thể, gan sẽ là cơ quan đầu tiên tiếp nhận các chất dinh dưỡng và hóa chất khác nhau từ hệ thống tiêu hóa để thanh lọc và chế biến thành những vật liệu khác nhau.
Các chức năng của gan:
- Khả năng chuyển hóa: sự chuyển hóa các chất cơ bản (glucid, lipid, protid) được diễn ra ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, nhưng tại gan thì quá trình chuyển hóa diễn ra rất mạnh mẽ.
- Chức năng chống độc: gan là một lá chắn của cơ thể, giúp ngăn chặn các chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ một số chất cặn bã do chuyển hóa chất trong cơ thể tạo nên.
- Tạo mật: Mật được sản xuất liên tục từ tế bào gan và được dự trữ cô đặc ở túi mật rồi từ đó được bơm xuống ruột non trong các bữa ăn. Mật có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn tan trong dầu, giúp hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
- Dự trữ vitamin: Gan có khả năng dự trữ các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, B12... bên cạnh đó, còn giúp dự trữ sắt, máu.
Gan là một cơ quan lớn và hoạt động bền bỉ, liên tục. Do đó gan dễ bị rối loạn và tổn thương nếu phải làm việc quá sức, nhất là khi ta đưa vào cơ thể nhiều chất độc hại. Khi bị tổn thương, gan không còn khả năng lọc và thải chất độc trong máu gây tích tụ các chất độc, giảm sức đề kháng của cơ thể, đồng thời sẽ kéo theo hệ quả ảnh hưởng đến một loạt các hoạt động sống trong cơ thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Vai trò của mật
Mật có vai trò hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo cũng như các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, K, E và caroten. Mỗi ngày, gan sản xuất dịch mật rồi chuyển xuống ống mật và dự trữ ở túi mật. Đến bữa ăn, túi mật co bóp và chuyển dịch mật trong túi mật vào ruột non giúp tiêu hoá thức ăn.
Các muối khoáng trong mật có tác dụng vận chuyển các vitamin tan trong dầu như các vitamin A, D, E và K. Muối mật không bị mất đi mà được tái hấp thu sau khi sử dụng. Khoảng 80-90% muối mật sẽ theo máu chuyển lại về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật. Ngoài muối khoáng, muối mật, trong dịch mật còn có cholesterol và sắc tố mật. Khi không diễn ra sự tiêu hóa, dịch mật sẽ quay ngược trở về túi mật qua ống túi mật. Khi được dự trữ trong túi mật, mật sẽ bị mất bớt nước và trở nên cô đặc hơn. Khi chất béo đi vào tá tràng, túi mật bị kích thích, co bóp và tống mật xuống tá tràng.
Đối với một số bệnh như viêm túi mật cấp tính, sỏi túi mật, u túi mật,... bệnh nhân có thể cần phải cắt bỏ túi mật. Điều này khiến dịch mật tiết ra từ gan sẽ được đưa thẳng xuống tá tràng mà không được cô đặc và dự trữ ở túi mật, từ đó có thể gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa, dẫn đến một số biến chứng.
Những nguy cơ gây tổn thương gan, mật

Trong thời đại công nghiệp hiện nay, chúng ta luôn phải đối mặt với môi trường ô nhiễm, thực phẩm chứa độc chất, nhiễm hóa chất độc hại,… kết hợp với những thói quen sống không lành mạnh như: làm việc quá sức, ăn uống và luyện tập không điều độ, sử dụng chất kích thích, rượu bia, lạm dụng thuốc,… sẽ khiến gan phải làm việc nhiều hơn mỗi ngày và trở nên quá tải, dẫn tới việc tích tụ nhiều độc tố hơn và đứng trước nguy cơ thường trực với các loại bệnh như: viêm gan, áp-xe gan, ung thư và các bệnh liên quan đến đường mật như: sỏi mật, viêm túi mật, nhiễm trùng đường mật….
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không phù hợp, giàu chất béo sẽ khiến nồng độ Cholesterol trong máu tăng cao, gây tích tụ mỡ tại gan, dẫn đến các bệnh lý trên hệ thống gan mật như gan nhiễm mỡ, sỏi mật… Việc hình thành sỏi trên đường mật hay tại túi mật đều rất nguy hiểm vì làm lưu lượng mật bị hạn chế, từng bước làm tắc nghẽn, gây viêm và nhiễm trùng đường mật. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động hiện nay cũng là yếu tố liên quan trực tiếp đến việc nhiễm virus viêm gan và các loại ký sinh trùng đường ruột. Chúng sẽ theo hệ tiêu hóa xâm nhập vào máu và “tập kết” tại gan gây ra các bệnh lý nguy hiểm như bệnh sán lá gan hay trùng Amip. Nhiều trường hợp, giun chui vào đường mật làm tắc nghẽn ống mật, gây sỏi đường mật và gây nên các cơn đau quặn gan.
Các bệnh liên quan trực tiếp đến viêm gan, sỏi mật, viêm đường mật… nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời, thì có thể dễ dẫn đến nhiều những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì thế hãy hành động ngay từ bây giờ, bạn cần xây dựng chế động ăn uống, sinh hoạt khoa học; từ bỏ rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích; đặc biệt cần thiết lập thói quen đi khám bệnh định kỳ 6 tháng 1 lần để có thể nhận biết tình trạng sức khỏe, từ đó có những điều chỉnh phù hợp cho bản thân
Hệ thống Phòng khám Việt Á cung cấp đầy đủ các gói khám và tầm soát từ cơ bản đến chuyên sâu để phục vụ nhu cầu khám sức khỏe của bạn. Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám, vui lòng liên hệ với Hệ Thống Phòng Khám Việt Á qua số hotline 1900.571.543 hoặc email customer.care@vietamedical.com
